Bối cảnh Long_Trung_đối_sách

Trung Quốc giai đoạn Long Trung đối sách hình thành.

Từ cuối thế kỷ 2, triều đình nhà Đông Hán suy yếu, vua cuối cùng nhà Đông Hán là Hán Hiến Đế (lên ngôi năm 189) tuy ngồi trên ngai vàng tới 31 năm (đến năm 220) nhưng thực chất không có quyền lực và không thể kiểm soát được tình trạng cát cứ của các chư hầu trên khắp Trung Hoa. Trong số các chư hầu cuối thời Đông Hán thì người có quyền lực và tham vọng lớn nhất là Tào Tháo. Nhờ việc hỗ trợ dựng lại triều đình cho Hiến Đế ở Hứa Xương và thống nhất miền bình nguyên Hoa Bắc sau khi đánh bại Viên Thiệu (với chiến thắng quyết định tại trận Quan Độ), Tào Tháo được phong làm thừa tướng và là người nắm thực quyền của triều đình nhà Hán[1]. Ngoài Tào Tháo nắm "thiên tử" để sai khiến chư hầu, các chư hầu còn lại gồm: Lưu Biểu (tông thất nhà Hán) - thứ sử Kinh Châu; Tôn Quyền - thủ lĩnh Giang Đông; Lưu Bị (tông thất nhà Hán) - đang nương nhờ Lưu Biểu; Lưu Chương (tông thất nhà Hán) - thứ sử Ích Châu; Trương Lỗ - thủ lĩnh Hán Trung; Mã ĐằngHàn Toại - thủ lĩnh Tây Lương; Công Tôn Khang - thứ sử Liêu Đông.

Gia Cát Lượng, biệt hiệu Ngoạ Long (伏龍, Rồng ẩn mình), là một học giả và nhà quân sự trẻ tuổi nổi tiếng, tuy nhiên do thời thế ông chỉ ẩn cư ở Long Trung (nay thuộc ngoại vi thành phố Tương Phàn, tỉnh Hồ Bắc). Trong lúc đó Lưu Bị, một người thuộc họ xa của tôn thất nhà Hán, chỉ là một lãnh chúa nhỏ đang đóng quân nhờ ở thành Tương Dương dưới quyền người chú Lưu Biểu, thứ sử Kinh Châu. Với hy vọng củng cố quyền lực, Lưu Bị thân chinh ba lần tới Long Trung để mời Gia Cát Lượng ra làm quân sư cho mình, sự kiện này sau đó đã đi vào ngạn ngữ Trung Quốc với cái tên Tam cố thảo lư (三顾茅庐, Ba lần tới lều tranh) để nói về lòng mong muốn mời một người vào vị trí quan trọng nào đó.[2] Tới lần thứ ba, Gia Cát Lượng quyết định nhận lời mời của Lưu Bị đồng thời đưa ra bản Long Trung đối sách mà ông nghiên cứu dựa trên tình hình thời cuộc để làm nền tảng cho công cuộc xây dựng quyền lực của Lưu Bị.